Nét đẹp đặc sắc của các trang phục cổ trang Trung Quốc làm say lòng biết bao tín đồ phim truyền hình Hoa ngữ. Mỗi triều đại là một sắc phục riêng biệt mang đậm nét đặc trưng của vương triều và được thể hiện một cách tinh tế từ chất liệu đến kiểu cách may, thiết kế hoa văn, phụ kiện đi kèm,...Hôm nay hãy cùng Du học Trung Quốc Riba khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc qua một số triều đại tiêu biểu nhé!
Trang phục thời nhà Hạ sử dụng màu đen làm tông màu chủ đạo. Trang phục sẽ gồm hai phần chính là phần áo trên và quần dưới. Trong đó phần áo trên đại diện cho trời, còn phần quần dưới tượng trưng cho đất. Với quan niệm thời đó, trời có màu đen còn đất có màu vàng. Nên chọn tông màu chủ yếu cho phần áo trên có màu đen, và phần quần dưới màu vàng.
Trang phục cổ trang thời nhà Hạ được cắt may khá đơn giản, không có hoa văn, kiểu cách, chỉ lấy hai màu đen và vàng làm màu chính.
Trang phục cổ trang nhà Chu gồm phần áo trên và quần hoặc chân váy phía dưới. Áo trên có hai loại, loại có ống tay áo là ống to và loại có ống tay áo là ống nhỏ. Phần nếp cổ áo sẽ được may gập sang bên trái, không sử dụng cúc áo mà dùng dây vải thắt lại ở phần eo, trên phần dây đeo này có thể dắt thêm ngọc bội. Độ dài của ống quần hoặc váy, vạt dài thì chấm đất, vạt ngắn thì tới đầu gối.
Nhà Tần là triều đại mở ra trang đầu tiên trong lịch sử các vương triều phong kiến Trung Quốc, đánh dấu sự chuyển biến từ xã hội nô lệ sang phong kiến nên trang phục nhà Tần cũng có sự thay đổi rất lớn.
Vua nhà Tần sẽ mặc long bào, đội mũ ngọc, tông màu chủ đạo là màu đen và màu vàng. Đây được xem là hai màu sắc tôn quý và chỉ có vua chúa, hoàng tộc mới được mặc, dân thường chỉ được mặc màu trắng.
Hán phục được may khá giống với trang phục thời nhà Tần, tuy nhiên trang phục nhà Hán thì có màu sắc tươi sáng hơn. Gồm hai phần là áo, quần nhưng được may lại để tạo thành kiểu dáng quần áo 1 mảnh, và được thắt lại bằng những sợi dây mảnh chứ không dùng cúc áo. Việc dùng dây thắt cố định lại y phục sẽ giúp tạo sự thoái mái cho người mặc cũng như dễ dàng điều chỉnh độ rộng hẹp tùy theo thân thể từng người.
Nhà Đường là thời kì phồn thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Vì thế mà y phục cổ trang nhà Đường cũng được đánh giá là được may khá công phu và cầu kì. Khác với các triều đại trước trang phục có phần kín đáo, thì trang phục phụ nữ nhà Đường lại có hơi hướng “khoe da thịt”.
Thiết kế chủ đạo trong trang phục nhà Đường là áo khoác ngắn, tay áo nhỏ với chân váy hẹp. Phần thắt lưng sử dụng một dây vải lụa dài thắt ngang, tạo cho người mặc thêm phần mềm mại, uyển chuyển.
Hơn thế nữa, các triều đại trước chủ yếu lấy tông màu đen, đỏ, vàng và trắng làm màu sắc y phục chủ đạo. Thì nhà Đường lại khá chuộng các màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Màu sắc chủ đạo của y phục vua và hoàng thất là màu vàng kim.
Trang phục cổ trang thời nhà Tống được đánh giá là khá sang trọng, từ hoàng tộc đến dân thường. Nữ thời này, sẽ thường mặc áo ngắn bên trong và khoác bên ngoài là áo dài có hai vạt đối xứng, ống tay bó, bên dưới là váy dài.
Nhà Nguyên là triều đại đã thống nhất thành công Mông Cổ vào Trung Nguyên. Do đó, trang phục nhà Nguyên sẽ có phần mang hơi hướng ảnh hưởng của y phục người Mông Cổ. Được thiết kế may tương đối ngắn và bó, phần eo có nhiều nếp gấp, loại y phục này khá phù hợp cho việc cưỡi ngựa. Phụ nữ quý tộc thường mặc những chiếc áo choàng dài và rộng, được làm từ vải lụa, lông hoặc len dệt,...trên thêu kim tuyến màu đỏ hoặc vàng kim, đầu đội một chiếc mũ chóp cao.
Do áo choàng quá dài và rộng, nên thường sẽ có 2 nữ tì đi theo hầu hạ nữ chủ nhân để giúp nâng đỡ váy áo. Phụ nữ tầng lớp dân thường chỉ được mặc áo choàng màu đen.
Trang phục Minh triều với đường nếp áo được gập sang bên phải, cổ áo có ba nếp. Ngày thường họ mặc áo ngắn cùng với váy dài, phần eo có thắt dây lụa, váy xòe rộng và có nhiều nếp gấp, xếp ly.
Phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc nhà Minh sẽ thường mặc áo choàng dài với tay áo rộng màu đỏ. Còn phụ nữ tầng lớp thường dân chỉ được mặc những y phục có màu nhạt, màu hồng đào, màu tím biếc.
Nam giới làm quan thường mặc áo dài liền thân vải bố xanh, đầu đội khăn xếp vuông, dân thường chỉ được mặc áo ngắn, đầu đội khăn.
Nhà Thanh dưới sự thống trị của người Mãn Châu, y phục truyền thống của họ được gọi là Mãn phục. Mãn phục được thiết kế với tay áo ngắn hẹp, thân áo thường được may có dạng hình chữ nhật được cắt thẳng từ trên xuống dưới, khá thanh mảnh. Phần cổ áo được thiết kế có hình dạng khá giống yên ngựa gồm dạng cổ tròn hoặc cổ vuông.
Trang phục nhà Thanh sử dụng khúc áo chứ không dùng dây thắt lưng. Nút được may ở mặt trước phía bên phải của áo, may viền theo hàng khuy nút là các hoa văn, họa tiết dùng để trang trí. Tông màu chủ đạo của Mãn phục là những màu sắc tươi sáng. Trang phục của vua và hoàng hậu có màu vàng kim hoặc đen.
Kiểu tóc thời nhà Thanh rất khác biệt so với các triều đại trước. Nam giới thường cạo trọc nửa phần đầu trước, nửa phần đầu sau thì để tóc dài tết bím. Còn phụ nữ thì đội mũ bát kỳ.
Xem thêm: GIƯỜNG CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC XƯA CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Chúng ta đã cùng nhau khám phá trang phục cổ trang Trung Quốc qua các triều đại. Mỗi bộ trang phục đặc trưng cho một thời kì lịch sử, ẩn chứa trong đó là những nét văn hóa của một vương triều. Bạn thích nhất loại trang phục cổ trang của triều đại nào nhất trong lịch sử Trung Quốc, hãy chia sẻ cùng chúng mình nhé!