"Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" Đây chính là câu trả lời của các bạn người Trung Quốc mỗi khi mình hỏi các bạn ấy câu hỏi: “Bạn đã đến thăm Vạn Lý Trường Thành bao giờ chưa?” Sự tự tin, đôi mắt sáng ngời tự hào của các bạn khi trả lời câu hỏi đó đã khiến mình rất tò mò: Vạn Lý Trường Thành có gì đẹp và thu hút khiến người chưa đến Trường Thành thì chưa được gọi là “hảo hán”?
Và mọi thắc mắc của mình đều được giải đáp khi mình đi sâu tìm hiểu về bức Trường Thành nổi tiếng Thế giới này. Hôm nay, Riba sẽ đưa bạn dạo quanh một vòng Vạn Lý Trường Thành để khám phá vẻ hùng vĩ của nơi mà các bạn du học sinh Trung Quốc ghi trong sổ tay là “địa danh Must – go” này nhé!
Vạn Lý Trường Thành nằm uốn lượn 21.000 km ở phía bắc Trung Quốc (từ Mãn Châu đến Sa mạc Gobi, cho đến Hoàng Hải) và là một trong những công trình kiến tạo nổi tiếng nhất của nhân loại.
Vạn Lý Trường Thành được ví như “Quốc hồn” và “Quốc bảo” của dân tộc Trung Hoa. Công trình vĩ đại này được xây dựng từ Thế kỷ 3 trước Công nguyên đến Thế kỷ 17 sau Công nguyên, dưới 16 triều đại khác nhau. Tổng chiều dài của phần còn lại của tường hào ngày nay là 21196,18 ki lô mét.
Vạn Lý Trường Thành không phải là một bức tường thành duy nhất mà là tên gọi chung của tập hợp nhiều thành lũy bằng đất đá được xây dựng từ khoảng 2500 năm trước, kéo dài ngàn vạn cây số từ phía Đông sang Tây.
Trường Thành có chức năng như một tuyến phòng thủ quân sự bảo vệ Trung Hoa khỏi những cuộc xâm lược của các bộ tộc du mục phương Bắc như Mông Cổ, Mãn Châu. Bởi vai trò quan trọng này mà nó được xây dựng liên tục trong suốt 2000 năm sau đó, cho đến cuối triều đại nhà Minh, trài dài qua 15 tỉnh thành của Trung Quốc, hình dạng uốn lượn như một chú Rồng thần.
Vạn Lý Trường Thành được liệt vào hàng Bảy Tân Kỳ quan Thế giới và được công nhận là Di sản Thế giới của Unesco vào năm 1987.
Xuân, hạ, thu, đông cứ thế qua, Trường Thành vẫn đứng nghiêm trang và mang dáng vẻ ngạo nghễ bởi sự hùng vĩ và ý nghĩa lịch sử của nó.
Xem thêm: Vẻ đẹp bốn mùa ở Bắc Kinh
Người ta nói đường phải đi từng bước từng bước, Trường Thành phải qua từng quan ải.
Bạn có đoán được Trường Thành có bao nhiêu quan ải không?
Câu trả lời chính là: Vạn Lý Trường Thành tổng cộng có mười ba quan ải. Trong số đó có rất nhiều quan ải hiện nay không mở cửa cho du khách tham quan. Nhưng dưới “con mắt” tinh tường của Flycam, các quan ải của Vạn Lý Trường Thành bỗng chốc trở nên rõ ràng và gần gũi hơn bao giờ hết. Giờ thì các bạn hãy cùng Du học Trung Quốc Riba hãy lần lượt khám phá những quan ải này để thấy được sự kì vĩ của Vạn Lý Trường Thành cũng như trí tuệ ưu việt của người xưa nhé!
Sơn Hải Quan còn được gọi là “Du Quan”. Năm 1381, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương hạ lệnh xây dựng cửa ải tại đây. Từ đó, nơi này trở thành trấn quân sự mang tính trọng yếu ở Đông Bắc và Bắc Trung Hoa.
Khi đứng ở nơi đây, người ta vừa có thể ngắm được toàn cảnh biển bao la vừa có thể chứng kiến phong cảnh núi non hùng vĩ. Cái tên Sơn Hải Quan cũng được tạo thành từ đó.
Có một sự thật thú vị mà nhiều bạn vẫn chưa biết đó là dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất quan” được khắc trên cửa ải Sơn Hải Quan do chính tay Thư pháp gia nổi tiếng triều Minh Tiêu Hiển chấp bút.
Hoàng Nhai Quan còn được gọi với tên “Tiểu nhạn môn quan”, toạ lạc ở khu Kế Châu, Thành Phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Tương truyền Tướng nhà Minh Tề Gia Quang khi còn là tướng lĩnh ở trấn này đã tái thiết kế và đại tu Hoàng Nhai Quan. Điều đặc biệt là tất cả các tảng đá ở phía Đông của Hoàng Nhai Quan đều có màu vàng nâu rất đặc trưng. Và mỗi khi mặt trời chiếu rọi, mảng tường này đều trở nên vàng rực rỡ. Bởi thế nơi đây còn có danh xưng là “hoàng hôn rọi sáng Hoàng Nhai”.
Cư Dung Quan hay còn được gọi là thiên hạ đệ nhất hùng quan. Tên gọi này bắt đầu vào thời nhà Tần. Cư Dung Quan nằm ở khu Xương Bình, vùng ngoại ô Bắc Kinh, có hai cổng Bắc Nam lần lượt là: Nam khẩu và Cư Dung Quan.
Thời Yến Quốc đây từng được coi là quan ải mang tính chiến lược quân sự.
Tử Kinh Quan tọa lạc tại thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, huyện Dịch, cách 45 km về phía Tây Bắc của thành phố và được xây dựng trên núi Tử Kinh.
Đây là một trong những danh thắng mang đậm nét cổ kính, là di tích văn hóa, lịch sử, quân sự phong phú. Người xưa đã miêu tả rất sinh động về địa thế và địa vị quân sự của nó: “Phía Nam dốc đứng chặn đường quân địch, phía Bắc vực thẳm chặn đường ngựa phi, như bức tượng Phật sừng sững dang tay bảo phủ và làm hàng rào bảo vệ nơi đây. Tử Kinh Quan có quy mô hùng vĩ, tráng lệ và có tường thành bao quanh.
Đảo Mã Quan tọa lạc tại huyện Đường, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc và nằm cách thôn Đảo Mã 60km về phía Tây Bắc. Đây là con đường trọng yếu từ Bình nguyên Hà Bắc lên Thái Hành Sơn.
Bởi vì con đường lên quan ải này dốc và nguy hiểm, ngựa chiến thường qua đây thường bị trượt ngã nên cửa ải này mới có tên là “Đảo mã quan” (“Đảo/倒“ có nghĩa là ngã/té, “mã/马” có nghĩa là ngựa).
Đảo Mã Quan được xây dựng vào đời Vua Minh Cảnh Tần. Hiện nay, Cổng Đông, Cổng Tây và Cổng Bắc của Đảo Mã Quan đã bị phá hủy, các bức tường của Quan Thành phần lớn bị phá vỡ, hiện chỉ có một phần các mảnh vụn được nhận dạng.
Bình Hình Quan tọa lạc tại thành phố Đại Đồng, huyện Linh Khâu, tỉnh Sơn Tây.
Bình Hình Quan từ lâu đã là một nơi có ý nghĩa phòng thủ quan trọng của Trung Hoa.
Vào năm Chính Đức thứ sáu của nhà Minh (năm 1511 sau Công nguyên), khi Vạn Lý Trường thành được xây dựng, nó đi qua núi Bình Hình và quan ải được xây trên Quan Lĩnh. Thời đại Minh – Thanh gọi nơi đây là Bình Hình Lĩnh Quan, sau cải thành Bình Hình Quan.
Ở đây từng xảy ra trận chiến Trận Bình Hành Quan nổi tiếng Thế giới.
Biển Đầu Quan: Thuộc huyển Biển Đầu, Tỉnh Sơn Tây. Khu vực này đất đồi không bằng phẳng, phía Tây thấp – phía Đông cao. Do đó, nơi đây mới có tên gọi là “Biển Đầu Quan”.
Biển Đầu Quan có lịch sử lâu đời. Trong thời nhà Minh, đây cũng là nơi giao lưu mua bán giữa Tấn Bắc và Nội Mông Cổ.
Nhạn Môn Quan nằm trên thung lũng ở huyện Đại, thành phố Hãn Châu, thuộc tỉnh Sơn Tây. Đây là cửa ải có địa hình hùng tráng, hai bên đều là vách núi dựng đứng. Tuyên truyền chỉ có con nhạn (con én) mới bay dọc theo thung lũng mà qua quan ải này được. Do đó, nơi đây mới có tên là “Nhạn Môn Quan”.
Được mệnh danh là "quan ải số 1 Trung Quốc", Nhạn Môn Quan không những đẹp, hùng vĩ mà nó còn là một căn cứ quân sự quan trọng trong lịch sử của đất nước Trung Hoa.
Nương Tử Quan là quan ải nổi tiếng của Vạn Lý Trường Thành, thuộc địa bàn huyện Bình Định, tỉnh Sơn Tây.
Tên ban đầu của Nương Tử Quan là “Vi Trạch Quan”. Sau do Đường Bình Dương công chúa từng chỉ đạo binh sĩ đóng quân ở đây và đội quân của bà có danh xưng là “Nương Tử Quân” nên quan ải này sau được gọi là “Nương Tử Quan”.
Sát Hổ Khẩu Quan còn được gọi là “Tây Khẩu” nằm ở nơi giao giới giữa Sơn Tây và Nội Mông Cổ, trực thuộc huyện Hữu Ngọc, Thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây. Sát Hổ Khẩu Quan được bao phủ bởi núi non hùng vĩ, có địa hình dốc. Phía Đông tiếp giáp với núi Đường Tử, phía Tây giáp núi Đại Bảo. Quan ải này từ xa xưa đã là lối đi quan trọng giữa Nam – Bắc, có lịch sử hơn hai nghìn năm.
Gia Dục Quan: hay còn biết với tên khác là Hòa Bình Quan, nằm cách thành phố Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc 5 km về phía Tây và là quan ải quan trọng đầu tiên ở phía Tây của Trường Thành thời nhà Minh. Đây cũng là đầu mối giao thông thiết yếu của “con đường tơ lụa” thời cổ đại.
Gia Dục Quan được xây dựng dưới thời Minh Hồng Vũ và ước tính mất tầm 168 năm để hoàn thành. Mặc dù được xây dựng kiên cố và vững chắc nhưng may mắn nơi đây chưa từng xảy ra chiến loạn.
Dương Quan nằm ở Thành phố Đôn Hoàng, dọc theo hành lang Cam Túc.
Dương Quan cùng với Ngọc Môn Quan là hai quan ải trọng yếu phía Tây Trung Quốc.
Nó được thành lập như là một tiền đồn bảo vệ biên giới, cũng là nơi phát triển kinh tế ở biên giới phía Tây xa xôi của Trung Quốc. Cùng với Ngọc Môn quan, Dương Quan cũng là một địa điểm quan trọng trên con đường tơ lụa.
Nhắc đến Ngọc Môn Quan, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một bài thơ Đường nổi tiếng là
Lương Châu Từ của Vương Hàn.
Sông Hoàng lên tít mây xanh,
Núi cao muôn trượng, mảnh thành cô đơn.
Sáo đâu cần oán liễu dương,
Gió xuân thổi đến Ngọc Quan được nào.
(Trần Trọng San dịch)
Tâm trạng buồn bã khắc khoải trong bài thơ như gợi lên nỗi cô quạnh cả nghìn năm của Ngọc Môn Quan. Nó gợi lên trong ta những hoài bão, mơ ước được vẫy vùng, nhưng đồng thời cũng nhắc ta về sự nhỏ bé của mình giữa thiên nhiên bao la rộng lớn, giữa cuộc đời mênh mông.
Ngọc Môn quan cũng là một trong số 22 điểm đến lý tưởng của Trung Quốc. Quan ải này cũng là một phần của Con đường tơ lụa và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới trong năm 2014.
Vạn Lý Trường Thành là kho báu của nền văn minh Trung Quốc đồng thời cũng là kiến trúc kỳ diệu nhất do tổ tiên để lại cho hậu nhân. Người ta cũng hay gọi đó là một phép lạ trên Trái đất.
Trường Thành đẹp nhưng buồn - như lời người một hướng dẫn viên du lịch lâu năm ở đây đã từng nói. Ẩn sau trong cái đẹp và hùng vĩ của Trường Thành là sự cô đơn, cô quạnh đã tồn tại từ mấy nghìn năm.
Bạn nên đến đây một lần để thấu hiểu hơn về quan điểm quan ải hùng vĩ nhất không phải là Ngọc Môn Quan hay Gia Dục Quan, mà chính là lòng người. Bởi chỉ khi ta vượt quá chính ta, chính cái hữu hạn nhỏ bé của mình, bước chân ra và chinh phục nhiều vùng trời mới hơn, được nhận lại và học cách cho đi, ta mới nhận ra thì ra chính bạn mới là kỳ quan vĩ đại nhất của riêng mình. Giờ chắc hẳn bạn cũng tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao chưa tới Trường Thành thì chưa được coi là hảo hán rồi đúng không nào?
Đừng quên theo dõi các thông tin khác của Du học Trung Quốc Riba tại hệ thống:
Hội Tự Apply Học bổng Trung Quốc
🌟 Riba - Dịch Vụ Học Bổng Du Học Trung Quốc
HỘI DU HỌC SINH VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC | Kết nối, Chia sẻ, Hỗ trợ nhập học